Tang và cây Dâu, nương dâu, ta thường nói là cuộc bể dâu để chỉ sự biến đổi tang thương, mà là tiêu đi, mất đi, tiêu ma. Tang ma chỉ mất đi, biến đổi tang thương của đời người. Tang: ở người Việt chúng ta theo tục thổ táng. Tục này đã có từ thời văn hóa Đông Sơn với những di chỉ, mộ táng đã được biết.
Về sau, Nho, Phật, Lão với những quan niệm sinh tử của mỗi đạo đã tổng hợp, hình thành những niềm tin thiêng liêng và nghi lễ trong tang ma cho đến ngày nay.
Niềm tin về cái chết từ Nho giáo "tử tất quy thổ, cốt nhục tê ư hạ âm vi giả thổ, kỳ phí phát dương ư thượng vi chiêu minh". Nghĩa là: chết tất trở về đất, xương thịt xuống thấp tan biến vào trong đất, còn khí dương bay lên cao trong sáng rực rỡ.
Như vậy, theo Nho giáo khi con người chết đi chỉ chết về thể xác, còn tinh anh, tinh thần tiếp tục tồn tại trong không trung. Nho giáo cũng khẳng định thêm tục thổ táng đã có ở người Việt từ thời nguyên thủy. "Tử tất quy thổ", cùng với ý nghĩa sinh tử triết học, Nho giáo còn có chữ hiếu, với quan niệm "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Có nghĩa hiếu với Cha Mẹ khi chết cũng như hiếu với Cha Mẹ khi còn sống, đã tác động sâu nặng trong lễ tang người Việt chúng ta.
Niềm tin từ Đạo giáo cho rằng mỗi con người chúng ta gắn với một vì sao trên trời. Vì sao ấy tắt thì người ấy cũng qua đời. Quan niệm của Đạo giáo, chết là về với cõi tiên.
Niềm tin từ thuyết "Chung nhi phục thủy" của Bà La Môn giáo và thuyết Luân hồi của Đạo Phật cho rằng con người chết, linh hồn tiếp tục đầu thai sinh kiếp khác. Từ quan niệm này đã hình thành việc thờ thập điện Diêm Vương ở các cửa động trong Chùa để gây ấn tượng cho con người. Khi sống "ở hiền gặp lành" về sự cầu mong khi chết nhanh chóng được siêu thoát. Từ quan niệm trên cũng sinh ra lễ cầu siêu ở Chùa, cầu cho vong hồn người chết mát mẻ siêu thoát, sớm chuyển kiếp thành người.
Từ những niềm tin về sinh, tử qua Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đã hình thành trong tang lễ người Việt rất nhiều nghi lễ khác nhau trong từng miền, từng vùng.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và nhận thức tiến bộ về sự sống, về vũ trụ, trong cuộc sống của mỗi chúng ta thì không có mấy ai giành tiền bạc, thời gian, ... và đủ tín ngưỡng để thực hiện đầy đủ các tập tục mang ít nhiều màu sắc của sự hủ tục, mê tín dị đoan,...
Tuy nhiên, chúng ta cũng quan niệm "chết không có nghĩa là không còn nữa mà chết chỉ là mất đi". Một vật vừa mất đi tức là nó vẫn còn hiện hữu ở đâu đó. Thật vậy, trong ký ức của chúng ta vẫn còn đọng mãi hình ảnh của họ - người thân yêu nhất.
Đời người có 3 ngày đáng nhớ nhất và trọng đại nhất: Ngày sinh - Ngày cưới - Ngày chết. Một trong 3 ngày trên, có một ngày mà không ai mong muốn, đó là "Sinh có hạn - Tử bất kỳ".
Chia sẻ Facebook |