|
Những tấm ván, cọc đóng vẫn còn sót lại sau khi chôn cất người chết.
|
Có người đưa ra một hai ngày, nhưng có người đưa ra hàng tuần lễ kể cả chân tay, đầu, tóc... rớt ra thì họ vẫn phải "cúng" cho đúng ngày, đúng tục. Cứ như thế, hủ tục mai táng này của người Mông trên bản Lung Tang, thuộc xã Hồng Ngài (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đã trải qua hàng thế kỷ.
Mất ngủ trên bản Lung Tang
Từ ngã 3 Cò Nòi, huyện Mai Sơn, chúng tôi ngược theo quốc lộ 6 khoảng vài km thì rẽ vào đường 37 khoảng 50km nữa thì đến Bắc Yên. Hỏi vào xã Hồng Ngài ai cũng biết và nhiệt tình chỉ dẫn vì đó là vùng đất của "Vợ chồng A Phủ". Không những thế, ở đó còn tồn tại câu chuyện mai táng người chết đầy chất ma mị, rùng rợn và tốn kém.
Để vào Lung Tang, nơi cách trung tâm huyện lỵ cả ngày đường này không phải là dễ. Con đường dân sinh nhỏ tí đang trong thời gian thi công vắt ngược qua những quả đồi dựng đứng, đất đá lổng chổng khiến chiếc xe "cõng" chúng tôi liên tục "đình công". Nhiều đoạn trơn trượt, khiến chúng tôi ngã lăn lóc, chân tay xây xước nham nhở. Không những thế, vì đoạn đường khó đi, nhiều đoạn chúng tôi phải hết đẩy lại khiêng xe. Cái nắng giữa mùa hè như đổ lửa, con đường đất đỏ phủ một lớp bụi trên những gương mặt hốc hác của chúng tôi như muốn kéo dài sự thử thách.
Về chiều, khi hoàng hôn gần khuất bóng sau những dãy núi cao ngất, khi tiếng chim đã gần im bặt, bản Lung Tang nổi lên những mảng ửng hồng trên những nóc nhà và những ngọn đồi trơ trọi đất đỏ của người Mông như một bức tranh đẹp. Tìm đến nhà trưởng bản Lầu A Thìa để xin tá túc qua đêm, nhưng ông đi vắng, chúng tôi quay ra trường học thì chỉ có một cô giáo. Vất vả lắm chúng tôi mới xin ngủ nhờ được ở lán một đội công nhân làm ống dẫn nước sạch cạnh ngôi trường đó.
Bữa cơm đạm bạc được dọn ra, nghèo nàn với nắm rau rừng, một ít dưa chua, vài quả trứng, cộng với ít muối tiêu nhưng xem ra xôm lắm. Sau khi uống hết gần 3 lít rượu ngô, bốn anh công nhân, cộng với hai chàng trai dân bản tên Lầu A Lồng và Đinh Văn Của bắt đầu kể về tục mai táng người dân nơi đây.
|
Bà Mùa Thị A vui vì tục mai táng không còn gánh nặng như xưa nữa.
|
Giữa đêm khuya tĩnh mịch, những công nhân dưới xuôi lên đây làm công trình và những người dân bản địa kể cho chúng tôi nghe hủ tục mai táng "không thể đụng hàng" với những vùng đất khác trên dải đất chữ S này.
Chẳng ai biết, hủ tục đưa người chết ra "phơi nắng" bắt nguồn từ khi nào, do ai khởi xướng, nhưng đến nay vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai "lần đầu nghe thấy". Theo lời của những người dân nơi đây, tuy bây giờ cái sự "rùng rợn" đã bớt đi phần nào vì được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhưng cái việc đem xác chết ra "phơi nắng" vẫn còn chưa dứt...
Nói thật trong đời làm báo, tôi đã được đi nhiều nơi, gặp nhiều người Mông và biết nhiều phong tục của họ nhưng trong chuyến công tác về Tây Bắc lần này, mà điểm đến là xã Hồng Ngài, tôi không khỏi rùng mình khi nghe kể về chuyện an táng của dân bản địa nơi đây.
Theo lời kể, thì sau khi một người trong gia đình chết, người thân của họ vẫn coi như còn sống, nên mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Trong bữa ăn, mọi người vẫn đút cơm, bón nước vào miệng cho người chết... Kể cả sau nhiều ngày, thức ăn đã lên men, thậm chí ruồi nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm vào miệng người quá cố kia.
Không những thế, với suy nghĩ người chết kia vẫn chẳng khác gì người sống, chỉ có điều không thể tự mình cử động, không thể tự mình ra ngắm mặt trời được nên mỗi khi ánh mặt trời ló rạng là họ lại khiêng người chết ra ngoài sân, đặt ngửa lên tấm ván đã chuẩn bị sẵn, đầu hướng về phía mặt trời mọc. Dù trời mưa to, hay nắng cháy thì cũng phải đến lúc nào ánh sáng tắt, người chết mới được khiêng vào trong nhà.
Tùy vào người chết có bao nhiêu con, người nhà sẽ đem "phơi nắng" người chết từng đó ngày. Tuy nhiên, việc chôn cất có nhiều kiêng kị và rất khó khăn. Đầu tiên để tìm được hướng tốt, người ta phải tìm nơi để mai táng người chết trên một ngọn đồi, nhìn xa xa phải lọt thỏm hai ngọn núi khác, hai chân phải đạp vào một ngọn núi tiếp theo. Ngọn núi tiếp theo kia không được thấp hơn ngọn núi dùng để mai táng người chết.
Việc chọn ngày tốt cũng tốn không ít thời gian. Vì thế mà có trường hợp người chết mấy tháng mới được mai táng. Việc để lâu ngày lại không được bảo quản nên chuyện người chết bị phân hủy, gây ô nhiễm rất kinh khủng.
Nơi rừng núi tĩnh mịch, hoang vu, thỉnh thoảng những cơn gió lạnh len lỏi qua khe cửa thổi vào sau gáy, những âm thanh vi vu được phát ra từ những đồi tre nứa, cùng với chi tiết được tả chân thực về tục mai táng nơi đây khiến chúng tôi sởn gai ốc, rùng mình. Một đêm thật khó ngủ trên bản Lung Tang này...
Vẫn "phơi nắng" nhưng đã khác nhiều
Anh Lầu A Lồng, chưa phải là người nhiều tuổi, tầm 45, 46 gì đó, nhưng anh cũng đã chứng kiến cái cảnh “phơi nắng” người chết rất nhiều lần. Anh bảo chẳng đâu xa, cách đây ít hôm, ngay cạnh ngôi trường này và cạnh nơi chúng tôi đang ngủ nhờ qua đêm đây cũng vừa có một xác chết được đem ra "phơi nắng".
Đó là một người đàn ông đã già, theo Lầu A Lồng thì chẳng biết bao nhiêu tuổi, nhưng "tóc đã bạc, răng rụng gần hết rồi". Lầu A Lồng bảo, người Mông trên này ít khi biết tuổi thật của mình lắm, họ chỉ án chừng chừng mấy mùa cây thay lá hoặc mùa rẫy để biết số tuổi.
|
Bí thư Lầu A Dua trò chuyện với chúng tôi về phong tục
của người Mông.
|
Khác với những hủ tục cách đây chục năm, bây giờ người ta không "phơi nắng" theo ngày tương ứng với số người con nữa. Nhưng cũng chẳng bao giờ ít hơn 1 ngày. Như người đàn ông trên, khi chết ông có đến 7 người con, mấy chục đứa cháu, nhưng vì đã được tuyên truyền trước đó nên họ chỉ đem ra "phơi nắng" có... 3 ngày.
Sa Văn Hải, một thanh niên ở dưới thị trấn Bắc Yên lên đây thi công công trình kể, khi thấy tục lệ mai táng của người Mông ở đây, anh không khỏi rùng mình. Bởi vì xác người đàn ông này được đem ra "phơi" ngay... bể chứa nước cho học sinh và người dân sinh hoạt hàng ngày, cách nơi anh và các công nhân khác ngủ, nghỉ có mấy chục mét. Quá sợ hãi, anh và mọi người đành phải... tìm cách về nhà cho qua mấy cái ngày "kinh khủng" đó.
Với hủ tục này, nếu trời vào mùa lạnh thì còn đỡ, chứ trời nắng nóng như kiểu mùa hè thế này thì rất kinh khủng. Tuy đã trôi qua một tuần, nhưng Hải bảo, sau một ngày được chôn cất, mùi hôi vẫn còn nguyên trên những tấm ván đặt xác chết này.
"Nói có sách, mách có chứng", sáng sớm, Hải dẫn chúng tôi ra bể nước, chỉ những tấm ván, cọc đóng và dây buộc còn nguyên như mới. Tôi có cảm giác, những "hơi lạnh" vẫn "lởn vởn" quanh đây...
Theo ông Lầu A Dua, Bí thư chi bộ bản Lung Tang thì tục lệ mai táng kiểu này đã dần được xóa bỏ rồi. Nếu trước đây mọi người để cả chục ngày mới mai táng, thì nay thực hiện theo nếp sống mới, mọi người rút ngắn chỉ trong 1 ngày mà thôi. Hi hữu mới có một vài gia đình để 2, 3 ngày.
Về phong tục thờ cúng cũng đã được "cải tiến" như việc đút cơm và nước vào miệng người chết được "cải biên" bằng cách cho vào cái lọ. Trước đây mỗi người con trai phải mổ một con trâu, hay một con bò để thết làng thì nay cả đám ma ấy chỉ mổ 1 - 2 con mà thôi.
Bà Mùa Thị A, người già nhất cái bản Lung Tang này đã chứng kiến bao sự đổi thay của quê hương. Cũng đã lâu rồi, bà không còn chứng kiến cảnh khi người chết thì cả nhà phải đi vay mượn tiền để mổ trâu rồi sau đó trả nợ đến hết cả đời con, đời cháu nữa.
Trò chuyện với một số người dân, họ bảo vì những người già "lạc hậu" còn muốn duy trì cái hủ tục này, chứ giờ họ cũng sợ lắm. Cùng với sự tiếp cận những phương tiện truyền thông "văn minh, hiện đại" như ngày nay và với việc tuyên truyền của chính quyền địa phương, thì chắc ít năm nữa, cái sự "kinh khủng" này sẽ chẳng còn tồn tại.
Chia tay bản Lung Tang, khi tiếng chơi đùa của lũ trẻ ở lớp học đã khuất dần, chúng tôi cảm thấy một cuộc sống bình yên cứ trôi qua từng ngày như thế trên vùng cao ngút ngàn này. Và hy vọng, khi lũ trẻ lớn lên, chắc chúng chỉ nghe kể, nơi quê mình đã từng có một hủ tục an táng người chết kinh sợ như thế đã tồn tại.
Hoàng Vinh