Các cụ già sợ nhất là phải ở nhà chung cư, không phải vì phải leo cao hay chê không có vườn tược, mà vì các cụ lo, ở tít trên trời thế này thì khi các cụ chết, không biết làm đám ma kiểu gì.
Chung cư là giải pháp hữu ích tại các đô thị lớn, đáp ứng phần lớn nhu cầu nhà ở cho người dân. Cuộc sống ở chung cư tại các khu đô thị cũng tiện ích đầy đủ, phong phú, môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Thế nhưng có những người, nhất là người cao tuổi, quyết không chịu chuyển lên chung cư sống cùng con vì đã tận mắt chứng kiến cảnh khi quy tiên không được tổ chức tang lễ ở nhà, nếu có được tổ chức tại nơi mình sinh sống thì thủ tục cũng rất phức tạp, không thỏa lòng người đã mất.
“Lấy ròng rọc đưa quan tài xuống đất à?”
Cụ Phong, năm nay 78 tuổi, sống tại chung cư bán đảo Linh Đàm, Hà Nội từng chứng kiến nhiều đám tang của những người bạn ra đi trước mình và những người này từng ở chung cư trước khi qua đời. Cụ than thở: “Tôi không muốn ở chung cư chút nào, dù nó cũng tiện lợi cho con cái”.
Cụ tiếp lời: “Chung cư không phải như nhà riêng, một hành lang mấy nhà nối tiếp, ban công chung chật hẹp, không thể kèn trống ròng rã cả ngày trời như ở nhà riêng được. Với lại, cư dân ở chung cư cũng rất dị ứng với việc hàng xóm để thi hài người chết trong nhà, vì các nhà chỉ cách nhau có một bức tường”.
Trước khi chuyển về sống tại chung cư, cụ Phong sống tại nhà riêng, nhưng do con cái làm ăn thua lỗ phải bán nhà đi, một phần trích ra mua chung cư, phần còn lại để trả nợ. Cụ đã cực lực phản đối chuyện này và kiên quyết không đồng ý. “Mấy ông bạn già của tôi cũng sống ở chung cư, lúc chết nằm lạnh lẽo trong nhà xác chờ mai táng chứ không được nằm ở nhà. Tôi không thích thế, chẳng đâu bằng nhà mình”, cụ cho hay.
Đem lý lẽ này phân tích cho các con, cụ không nhận được sự đồng tình. Các con cụ phân tích: cuộc sống giờ khác xưa rồi, đám tang nên được tổ chức ở nhà tang lễ cho chuyên nghiệp, vệ sinh, không gian rộng rãi… Những cái lợi đó cũng chẳng giúp cụ Phong nguôi ngoai, bởi tâm lý người già thường cố chấp như vậy, phong tục tổ chức đám tang ở nhà đã ăn sâu vào tiềm thức cụ gần 80 năm trời nên rất khó thay đổi.
Các cụ già rất sợ phải ở chung cư.
“Tôi hỏi chúng nó là nếu ở chung cư đến lúc bố chết, chúng mày lấy ròng rọc đưa quan tài bố xuống đất à? Không ai cho tổ chức đám tang ở căn hộ, thế lúc ốm rồi chết thì phải làm thế nào?”, cụ nói.
Một người bạn già mới ra đi gần đây nhất của cụ đã rơi vào cảnh khiến cụ rất… đau đầu: Những ngày cuối đời, ông cụ này nằm liệt giường ở nhà. Lúc cụ hấp hối, con cháu thay vì ở bên cạnh để nói những lời tiễn biệt cuối cùng thì chúng phải nháo nhác gọi xe cấp cứu đưa cụ đến bệnh viện. Xe chưa kịp tới nơi thì cụ ông đó đã trút hơi thở cuối cùng. Con cháu phải báo bảo vệ tòa nhà cho phép sử dụng thang máy riêng để đưa xác ông cụ xuống rồi đưa đến nhà tang lễ.
Đám tang ấy đã ám ảnh cụ Phong đến tận bây giờ. Cụ bảo lúc nằm xuống là lúc rất thiêng liêng, người đã khuất bao giờ cũng lưu luyến ở lại thêm trong ngôi nhà của mình. Mà nếu ở chung cư thì điều đó là rất khó. Dù lo lắng, băn khoăn nhiều như vậy song cuối cùng, cụ chẳng còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận cùng con cháu leo lên tầng 15 để ở. Vì đơn giản, đó là lựa chọn duy nhất của cả gia đình. Nếu không ở cùng con, cụ chẳng còn lựa chọn nào khác vì cụ chỉ có độc nhất một anh con trai.
Mong mỏi được về nhà trước khi hỏa táng
Anh Kiên, một người đã sống ở chung cư gần chục năm nay và đã 2 lần tổ chức đám tang cho cả cha lẫn mẹ, có khá nhiều tâm tư về chuyện này. Anh cho biết rất thích cuộc sống ở chung cư nhưng những gì đã xảy ra với các cụ thân sinh khiến anh cũng có lúc áy náy.
Mẹ anh mất đột ngột vì bị đột quỵ, chung cư nơi anh ở có một phòng tập thể để tổ chức các hoạt động của cư dân trong những dịp lễ, Tết và cả đám cưới, đám ma. Nhưng phòng đó hơi chập hẹp, các phương tiện lo cho tang lễ cũng không có đầy đủ. Ban quản lý tòa nhà cũng khuyên anh nên tổ chức đám tang của mẹ anh ở nhà tang lễ để làm cho “ra đầu ra đuôi” và anh cùng gia đình đã đồng ý.
Sau khi đăng ký với nhà tang lễ, gia đình anh được thông báo những giờ đẹp mà gia đình yêu cầu để tiến hành làm lễ đã được đăng ký hết từ trước. Vì vấn đề tâm linh, không muốn tổ chức tang lễ vào giờ được cho là xấu nên gia đình cố cắn răng đợi. Ba ngày hôm sau mới tới lượt đám tang của mẹ anh. Suốt quãng thời gian ấy, thi thể cụ được bảo quản trong nhà lạnh.
Cụ ông, bố anh Kiên, chứng kiến cảnh đó đã không khỏi sợ hãi. Bản thân cụ cũng không muốn như vậy, nhưng cụ hiểu việc tổ chức đám tang ở căn hộ hay phòng tập thể của tòa nhà là rất khó. Vì thế, khi đến lượt mình, lúc còn minh mẫn, cụ viết di chúc, nói các con tổ chức tang lễ ở nhà tang lễ cũng được, nhưng trước khi đưa cụ đi hỏa táng, cụ phải được đưa qua nhà một lần để 'nhìn' nhà lần cuối. Lý do là vì từ lúc chết đến lúc hỏa táng, cụ đã không được ở nhà rồi, đó là cơ hội cuối cùng để cụ còn được nhìn thấy nơi đã gắn bó với mình những ngày cuối đời cùng con cháu.
Anh Kiên đã cố gắng sắp xếp để bố được thỏa mong ước cuối cùng đó và anh đã làm được. Cho đến giờ phút này, anh vẫn chưa có ý định thôi ở chung cư vì anh cho rằng cuộc sống tại chung cư ở các đô thị cơ bản khiến anh và gia đình hài lòng. Anh cũng đồng tình với quan điểm, đám tang nên dần được chuyển hết ra các nhà tang lễ để đảm bảo vệ sinh, trật tự và không gian sống chung của cả cộng đồng. Anh cho rằng dần dần về sau xu hướng này sẽ được nhiều người dân ủng hộ.
Thế nhưng, đối với nhiều người ở tuổi “gần đất xa trời”, đã quen với nếp sống cũ, họ thực sự thấy hãi khi nghĩ tới cảnh mình bị con cháu đưa vào nhà lạnh nằm đơn côi một mình thay vì được hương khói ấm cúng ở nhà, có con cháu ngay cạnh bên…
Chia sẻ Facebook |