Hơn 30 năm gắn bó với rừng mả mồ ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là ngần ấy thời gian chị chứng kiến nhiều đổi thay, lắm bi kịch liên quan đến người chết kẻ sống, cũng như lặng lẽ cưu mang nhiều hài nhi bị đấng sinh thành vứt bỏ tại nghĩa trang.
Tại Nhà quàn xác ở Nghĩa trang Hội tương tế Thanh Hóa, 1 trong nhiều nghĩa trang nhỏ hợp thành Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, chị bắt đầu chuyện đưa đò cho những vong nhi bạc mệnh bằng nỗi niềm chua xót: "Trót dại sinh ra đứa con không mong đợi, nếu bé còn sống thì nhiều bà mẹ trẻ vứt bỏ chúng đâu đó bên lề đường, nơi công viên, trước cổng chùa… Còn nếu bé chẳng may tử vong, không ít người chờ đêm đến gói ghém sơ xài rồi mang đến "ký gửi" tại nghĩa địa…".
Tâm tình người giữ mộ...
Trung tuần tháng 12/2010, trước thực trạng Nghĩa trang Bình Hưng Hòa quá tải dẫn đến nạn ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, UBND TP HCM chỉ đạo UBND quận Bình Tân (nơi tọa lạc Nghĩa trang Bình Hưng Hòa) phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường xây dựng phương án di dời nghĩa trang. Có diện tích khoảng 60ha, được hình thành từ trước năm 1975, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nơi an nghỉ ngàn thu của gần 100.000 người quá cố, nhiều gia đình có đến 3-4 thế hệ người thân được an táng tại đây nên chủ trương di dời toàn bộ nghĩa trang của UBND TP HCM nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng.
Để làm rõ những vấn đề băn khoăn, trăn trở của bạn đọc về thời gian cụ thể di dời nghĩa trang, chế độ - chính sách hỗ trợ bốc mộ…, chúng tôi đã có nhiều ngày "nằm vùng" tại "vùng đất chết" Bình Hưng Hòa. Và trong những ngày "lang bạt" ấy, chúng tôi gặp chị, ân nhân của nhiều thai nhi vô thừa nhận và lắm mộ phần "mồ côi", đơn chiếc. Chị là Huỳnh Thị Dung, người có hơn 30 năm gắn đời với muôn vàn sinh linh nằm dưới mộ.
Nhà quàn xác - nơi mấy mẹ con chị Dung tá túc bao năm qua.
Nghĩa trang Hội tương tế Thanh Hóa nằm trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, con đường huyết mạch nối giữa quận Tân Bình và Bình Tân nên chúng tôi không mấy khó khăn trong việc tìm gặp chị. "Nghĩa trang Bình Hưng Hòa chú biết rồi đấy, đủ thứ tệ nạn tề tựu ở đây. Nhắc đến Bình Hưng Hòa là nhắc đến phường đầu trộm đuôi cướp, những anh Ba chú Bảy với hình xăm vằn vện khắp người. Nhưng giang hồ cỡ nào tôi cũng không ngán. Đời nghĩa trang chẳng có gì phải giữ, chẳng gì phải sợ. Tới đâu hay tới đó".
Trái với hình dung của chúng tôi, "đại hiệp" của hàng chục thai nhi vô thừa nhận theo như "quảng cáo" của nhiều người trông mộ tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, đón khách bằng mái tóc cắt cao như đàn ông, dáng vẻ bất cần đời và những ngôn từ có phần ngang ngạnh, thách thức. Chừng khi biết được thiện chí của thằng em lần đầu đặt chân tới Bình Hưng Hòa, chị dịu giọng biện giải: "Nghĩa trang nào hổng biết chứ ở nơi này phải dữ dằn vậy mới tồn tại được em ơi. Bao năm trường bám trụ tại đây, chị tiếp xúc với kẻ xấu nhiều hơn người tốt nên hình thành phản xạ đề phòng, phủ đầu một cách vô điều kiện, em đừng để bụng nha!".
Chiều tà, mùi nhang thoang thoảng giữa rừng mả mồ vắng lặng. Gió liên tục thổi khiến cây bồ đề cổ thụ trước nhà quàn xác rụng lá tá lả mang lại cảm giác rờn rợn cho những ai lần đầu hay thi thoảng đáo qua. "Cuộc sống ở nghĩa trang vậy đó em à, lấy mả mồ, lấy sự tịnh vắng, thâm u làm niềm vui" chị Dung, bộc bạch: "Ở Bình Hưng Hòa có nhiều người lấy nghĩa trang làm nhà lắm. Như chị còn may bởi còn có chốn vào ra. Chứ dân bụi đời tứ xứ đêm đến co ro với tấm chăn rách bên mả mồ lạnh toát. Những hôm trời đổ mưa trở gió họ phải kiếm những ngôi mả lớn có mái che mà rúc vào".
Nặng ân tình với người cõi âm
Đêm nghĩa trang tù mù không ánh điện, chỉ có ánh đèn leo loét hắt ra từ chiếc bình ắc-quy cũ mèm có tuổi đời gần 20 năm. Chị Dung miên man trong dòng ký ức về Nghĩa trang Bình Hưng Hòa hơn mươi năm trước, cái thuở mà giữa ban ngày, con nghiện ngang nhiên tụ bầy hút chích khắp nơi. Về đêm chị em đứng đường lượn qua lượn lại như chong chóng. Rồi các băng nhóm tụ bầy cờ bạc, gây sự đánh nhau liên tục... Chuyện đang đêm hôm đang ngủ bị các tay anh chị nghiện hút dựng đầu dậy hỏi thăm xin tiền thì quá thường.
Trước diễn biến tình hình an ninh trật tự tại Bình Hưng Hòa nói riêng và nhiều điểm nóng khác trên địa bàn thành phố nói chung, năm 2001, UBND TP HCM phát động chiến dịch 3 giảm "mại dâm - ma túy - tội phạm hình sự", huy động lực lượng Công an, quần chúng nhân dân và các cơ quan chức năng, ban ngành chĩa mũi nhọn đấu tranh vào các đối tượng này. "Bị đánh mạnh, tệ nạn tại Bình Hưng Hòa từ năm 2007 trở lại đây, giảm hẳn. 3 năm gần đây khu vực chị trông nom hiếm khi phát hiện kim tiêm. Bình Hưng Hòa bây giờ yên lành nhiều hơn trước lắm em ạ" - chị Dung, bộc bạch.
10h tối, hơi lạnh bao trùm khắp nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đêm nay như nhiều đêm trăng sáng của hơn 30 năm qua, chị Dung đốt bó nhang to đùng rồi lặng lẽ rảo khắp nghĩa trang thắp cho những nấm mồ không có thân nhân chăm sóc mà chị quen gọi là "mộ mồ côi". "Không phải ai nằm xuống cũng có người nhà thi thoảng ghé thăm hoặc ghé tảo mộ vào những ngày cận Tết hay đến Tết Thanh Minh" - chị nói: "Nghĩa trang này có nhiều mộ mồ côi lắm. Có những mộ hàng chục năm trời chẳng ai ghé thăm. Có những mả mồ bao năm qua chỉ là mô đất nhô cao không bia mộ".
Sống bằng nghề trông mộ nhưng nguồn thu nhập chính của mấy mẹ con chị Dung phụ thuộc vào việc bán nhang đèn, hoa trái trước nghĩa trang cho kẻ lại người qua. "Thu nhập của người trông mộ chủ yếu vào tháng cuối năm. Khi ấy ai có người thân nằm ở nghĩa trang cũng sắp xếp thời gian đến vệ sinh mộ phần như quét vôi, dãy cỏ, cung kính. Khi đến thường thì người ta không quên bồi dưỡng cho người trông mộ chút đỉnh. Tùy điều kiện, tấm lòng, sự cảm thông mà gia chủ của từng nấm mồ giúp mình năm chục đến hai trăm (50.000-200.000 đồng). Cũng có những người khó ngặt quá, họ chỉ gửi tặng gói trà, hộp bánh. Mà nghĩa trang này mộ người nghèo nhiều lắm. Nhất là mộ mồ côi. Đặc biệt là mộ phần của trẻ sơ sinh, những đứa trẻ chưa chào đời đã thành người thiên cổ".
Đưa chúng tôi đi thăm nghĩa trang, chị Dung nhẩm tính "địa bàn" mà chị quản lý có hơn 20 nấm mồ vong nhi bạc mệnh. "Dừng bên ngôi mộ khá khang trang được lát gạch bông, có mái vòm, khung sắt rào quanh, chị chỉ vào ô gạch nhỏ xíu nằm nép bên hông mộ, khẽ thở dài: "Rảo dọc bước ngang, hễ thấy mộ nào có ô nhỏ vầy là biết mộ hài nhi, thai nhi đó. Cháu này hơn mươi năm trước, sáng ra đi làm vệ sinh nghĩa trang tôi thấy vết đất đào lấp sơ sài, ẩn dưới đó là một bọc đen. Tò mò tôi mở ra và điếng hồn… Để cháu được an nghỉ, tôi đắp thành mồ. Sau đó sợ nắng mưa xối trôi mất vết tích, tôi mua gạch, xi-măng về xây mộ cho cháu".
Ngày lại ngày, chị lặng lẽ chăm sóc mộ phần cho những hài nhi không người thân.
Cứ mỗi lần chị Dung dừng trước ngôi mộ nào đó, chúng tôi lại nghe từ chị câu chuyện đau lòng về hài nhi "nằm ké" bên mộ phần người xa lạ. "Có bà mẹ đợi đêm đến mang con ra chôn lén nhưng cũng có người gói ghém sơ sài đứa con vừa tượng hình vứt bỏ lăn lóc. Có cháu khi được phát hiện chỉ là khối thịt bầm đen. Xót xa quá, tôi gom tiền mua quách an táng cho các cháu". Nói đến đây, chị Dung khẽ thở dài: "Nói thật với chú, mấy má con tôi làm ngày nào sống ngày nấy, chẳng dư dả gì đâu. Khi phát hiện hài nhi, nếu tôi đào đất để các cháu xuống rồi đắp lên nấm mồ thì có lẽ các cháu cũng chẳng oán trách gì. Nhưng nghĩ đến cảnh các cháu chưa kịp làm người đã bị đấng sinh thành khai tử, khi về với đất cũng không được như người ta, không kèn trống, không bánh trái, không ai cầu siêu, không người tiễn đưa, không một giọt nước mắt xót thương nào nhỏ xuống… tôi không đành lòng. Vậy là mấy má con gom góp, khi nào kẹt thì vay mượn mua quách, xây mộ cho các cháu đàng hoàng. Dù gì các cháu cũng là con người mà".
Vào sâu trong Nghĩa trang Hội tương tế Thanh Hóa, những nấm mồ hài nhi bé xíu nằm cạnh mồ mả khang trang như những vết dao sắc lẹm cứa vào tâm can của những ai có lòng trắc ẩn. "Sở dĩ tôi để các cháu nằm cạnh những ngôi mộ này vì nghĩ ở gần người lớn, mà là người giàu có, thường xuyên được người thân cúng kiếng thì dẫu ít hay nhiều, các cháu cũng được hưởng phúc phần từ họ cũng như được họ chở che".
Lặng lẽ cắm nén nhang cuối cùng cho nấm mồ hài nhi nằm cạnh ngôi mộ to đùng của thân mẫu một bác sỹ, chị chỉ ngôi mộ khá khang trang nằm cách đấy vài bước chân, nói mà như khóc: "Đây là mộ của một con chó. Khi nó mất, chủ thương quá lập mộ, để bia đính hình với tên tuổi đàng hoàng. Ở đây mộ chó, mộ mèo như thế không thiếu. Nghĩ đến việc chỉ là con vật mà nó còn có phước như vậy, trong khi các bé bất hạnh thế kia, nhiều lúc chị không cầm được nước mắt".
Mong ước nhói lòng
Vì không cầm được nước mắt, không cầm được nỗi xót thương cho những vong nhi bạc mệnh mà hầu như đêm nào chị Dung cũng lặng lẽ thắp hương sưởi ấm vong linh các bé. "Hôm nào trúng mánh chị làm dĩa trái cây, vài xấp tiền vàng bạc, vài bộ đồ mã để lên bàn thờ tổ ở Nhà quàn xác cúng chung cho các bé" - chị giản dị, tâm tình. Nghe chúng tôi bày tỏ sự thán phục, chị khẽ lắc đầu tỏ bày: "Nhằm nhò gì chú ơi! Chuyện chị làm nhỏ như con thỏ. Có những người tạo dựng cả nghĩa trang, an táng cho hàng trăm, hàng ngàn trẻ sơ sinh. Những người ấy mới đáng khen, đáng phục".
Người đưa đò cho vong nhi ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa mà chúng tôi đề cập chỉ đơn giản là vậy, bình dị mà cao quý biết nhường nào. Khi chia tay, nói về mong ước cho ngày mai, cái ngày mà không bao lâu nữa, toàn bộ Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, trong đó có Nghĩa trang Hội tương tế Thanh Hóa sẽ được bốc mộ, sẽ trở thành công viên sạch đẹp, thành những khu dân cư phức hợp cao cấp, chị Dung trải lòng: "Dân lao động như chị chỉ mong mỏi điều duy nhất là luôn mạnh khỏe để tay làm hàm nhai. Mà chừng như được các bé độ nên sống mấy chục năm trời trên đất này, cái nơi mà sự ô nhiễm ai cũng biết tiếng, chị may mắn chẳng đau bệnh gì. Chị chỉ mong những người làm cha làm mẹ khi sinh con đừng đoạn đành vứt bỏ. Nếu các cháu còn sống thì gắng nuôi. Chẳng may các cháu tử vong thì hãy an táng đàng hoàng, đừng vứt các cháu giữa đất trời lạnh giá và bỏ mặc không thăm viếng"
Chia sẻ Facebook |